Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Nam Cực

Nhiều người hỏi bố, tại sao chúng ta lại có chuyến đi này.

Nếu câu hỏi này được đặt ra cho bố hai mươi năm trước, có lẽ bố sẽ trả lời, vì bố thích. Câu trả lời bây giờ của bố tất nhiên là khác, bởi vì bố thấy cần phải làm như vậy.

Ước mơ của Thiều Quang được đặt chân đến Nam Cực sẽ được coi là một ước mơ viển vông, đối với hầu hết người lớn. Không hẳn vì mọi người không thích đến đấy, không thích khám phá một miền đất mới, có khi chỉ đơn giản là ngay khi có ý nghĩ đấy, mọi người đã nghĩ ngay rằng, mình không làm được đâu, hoặc là sẽ chờ đợi xem có ai đó hay môt dịp may nào đó sẽ đến, và mang theo ước mơ của họ. Có nhiều ước mơ đã chết đi theo cách như vậy, khi con người lớn dần lên, nhìn thấy sự hữu hạn của những gì mình đang có và sự viển vông của những ước mơ. Nhưng nếu không còn những ước mơ xa vời và đôi khi viển vông ấy, chúng ta có lẽ chẳng còn gì cả. Những ước mơ đẹp đẽ luôn sẽ là điều quan trọng, giúp trẻ con lớn lên, và giúp người lớn nhận ra và gìn giữ những giá trị của cuộc sống tươi đẹp. Ước mơ khám phá những miền đất mới của con, do vậy, tất nhiên là cái mà bố cần và nên giúp con nuôi dưỡng, nó sẽ giúp con đi những bước xa hơn trong suốt cuộc đời của con sau này...

Bố tất nhiên cũng đầy hứng thú và say mê để trò chuyện với Thiều Quang về những điều đơn giản và lớn lao, như chuyện trái đất đang ấm lên, sự đổi thay của khí hậu hay chuyện bảo vệ môi trường sống đầy bất trắc của chúng ta. Người lớn thường không dễ dàng chia sẻ những suy tư như vậy của trẻ em, của những đứa trẻ ở tuổi của con, nhưng bố thì khác, bố hiểu những gì con nghĩ về thế giới sẽ còn đi theo con trong suốt cuộc đời, đem lại cho con nhiều thứ. Bố cũng tin là con sẽ học được nhiều hơn cách chia sẻ về những gì con quan tâm với mọi người, trước hết là với bạn bè con, với những người xung quanh, và biết đâu, với nhiều người khác. Chuyến đi này sẽ là một dịp tốt, để con chia sẻ những gì mình tận mắt nhìn thấy, tận mắt chứng kiến với mọi người...

Chỉ còn hơn hai mươi ngày nữa, bố con mình sẽ lên đường, sẽ là một chặng đường dài, nhưng sẽ đầy thú vị. Chúng ta sẽ dừng chân ở Dallas để con được nhìn thấy phi trường lớn nhất nước Mỹ mà con từng nhiều lần xem trên google earth, sẽ khám phá Buenos Aires quyến rũ, tìm kiếm những điều thú vị ở thành phố cực Nam thế giới Ushuia, đứng trên pier 39 ngắm những con hải cẩu đang phơi nắng ở San Francisco,...

Bố sẽ chờ xem bản presentation của con về chuyến đi sẽ thế nào, và chúng ta sẽ còn vài chục ngày để mua thêm nhiều thứ.

Việc đầu tiên mà chúng ta làm, có lẽ là trong tuần tới, sẽ bắt đầu ghi nhật ký của chuyến đi này, chuyến đi có vẻ như sẽ giúp con trở thành người trẻ nhất đặt chân đến Nam Cực...

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Cơ hội trong những rủi ro

Thiều Quang, con trai lớn của tôi bị một tai nạn nhỏ khi chơi ở trường, bị gẫy một cái xương khi chống tay xuống đấy, sáu tuần tới Thiều Quang sẽ phải bó bột để chờ xương liền lại. 

Tất nhiên, chúng ta đều hiểu rằng, việc con bị ngã ở trường hôm qua, bị gãy xương, phải bó bột, là một rủi ro, và là rủi ro không đáng có. Nhưng đấy cũng là một phần của cuộc sống, khi đôi khi mọi thứ không diễn ra giống như chúng ta mong muốn. Con sẽ phải bó bột tay trái của con trong sáu tuần tới, sẽ không thể đạp xe, không chơi golf, không tập đàn, và sẽ rất khó khăn để viết, vẽ bằng tay thuận của con trong sáu tuần tới.

Nhưng đấy không phải là mọi thứ. Và rủi ro không phải chỉ là những thiệt thòi, như bố con mình nói chuyện sáng nay trên đường đến Saint Paul để khám lại chỗ bó bột, có khá nhiều cơ hội cũng đang mở ra với con.

Cái đầu tiên, có lẽ là con sẽ học cách viết bằng tay phải, sáng nay bố đã nhìn thấy con làm việc đó, tất nhiên chữ sẽ chưa đẹp ngay được đâu. Nhưng có lẽ con sẽ nhanh chóng viết được đẹp đẽ thôi. Rất có thể sau cái tan nạn nhỏ này, con sẽ có thể tự hào vì mình có thể viết, vẽ được bằng cả hai tay, đấy nên coi là một khả năng đặc biệt và sự hạn chế cử động tay trái vì bó bột sẽ giúp con có được những trải nghiệm mới, phát hiện mới về những khả năng của mình.

Con cũng đã nhìn thấy các bạn cùng lớp và các bạn khác của con lo lắng và chia sẻ với con thế nào vào hôm qua và cả hôm nay khi con đến lớp. Những chia sẻ như thế không phải ai, và lúc nào cũng có thể có được. Con sẽ thấy là những gì con làm cho các bạn sẽ giúp con nhận được sự chia sẻ thế nào. Và bố cũng nghĩ, con sẽ gần gũi và thân thiết, chia sẻ với các bạn nhiều hơn, sẽ thấy các bạn giúp đỡ con ra sao nữa.

Hay là về cái câu lạc bộ đi xe đạp của các con, tất nhiên con không thể đạp xe trong sáu tuần tới, vì đi xe đạp bằng một tay là quá nguy hiểm ở tuổi con, nhưng điều ấy không ngăn cản việc con vẫn tiếp tục cùng các bạn tổ chức những chuyến đi khác, mà con sẽ là người tổ chức thực thụ, và chia sẻ với các bạn những trải nghiệm ở vị thế của một người tổ chức.

Bố cũng nghĩ, con sẽ học được cách trở thành một cậu bé mạnh mẽ hơn sau tai nạn nhỏ này.

Rủi ro đương nhiên là cái chả ai muốn, nhưng cách chúng ta ứng xử với những rủi ro mình gặp phải mới là quan trọng, con trai ạ... Hãy tìm những cơ hội và cả niềm vui trong khi chúng ta vượt qua rủi ro, mới là điều quan trọng...

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Vòng golf đầu tiên



Mười một ngày sau sinh nhật con, bố mới viết cái notes này, để chúc mừng sinh nhật Thiều Quang. Bố tin là con đã có một kỳ sinh nhật thú vị. Thật may mắn là sinh nhật của con trùng với tuần lễ nghỉ giữa kỳ, và chúng ta đã có cơ hội để có một chuyến đi, và có những trải nghiệm mới mẻ.

Bố và con đã làm được việc định làm, là có một vòng golf - lần đầu tiên - vào đúng ngày sinh nhật 9 tuổi ở Montgomery Links. Golf là một trò chơi thú vị, và sự thú vị ấy phần nhiều nằm ở chỗ người chơi cùng với mình là ai. Bố đã có rất nhiều người bạn từ những trận golf của bố, nhiều người trong số đó là những người bạn rất thú vị, và vì vậy, bố thấy vòng golf đầu tiên và vào ngày sinh nhật của con là rất thú vị.

Bố nhớ những cú đánh đầu tiên của vòng golf đầu tiên của bố, cái cảm giác khác biệt của sân golf so với sân tập, sự cởi mở của không gian và màu xanh của thảm cỏ... Và bố thấy hài lòng vì đã có thể thấy sự say mê, thú vị của con trong những trải nghiệm đầu tiên này.

Sự thú vị tăng lên qua mỗi hố golf, những cú swing ngọt hơn, những đường bóng đi đúng đích hơn sau mỗi hố golf tạo cho bố niềm vui được quan sát và cùng con trải nghiệm. Tất nhiên, bố nên nói đến việc con đã có thể đạt được cú double bogey  đầu tiên ngay trong vòng golf đầu đời của mình, trong khi bố vẫn mơ đến cú double bogey sau mười vòng golf đầu tiên.

Bố hy vọng là con sẽ yêu thích môn thể thao thú vị, nhưng đầy thử thách, với những luật lệ nghiêm ngặt, và những đòi hỏi khác biệt về cách ứng xử này. Sẽ còn rất nhiều thứ con phaỉ học, nhưng vòng golf đầu tiên của con trong ngày sinh nhật như thế, bố nghĩ, đã là một trải nghiệm thú vị... Con sẽ còn học được rất nhiều thứ, sẽ có được rất nhiều người bạn thú vị từ những trận golf, và sẽ biết được nhiều miền đất, nhiều trải nghiệm thú vị từ những cuộc chơi con sắp trải qua...

Sẽ còn nhiều những vòng golf khác, và bố nghĩ, sự thú vị nằm ở chỗ, bố đã có một người bạn cùng chơi thú vị trong những vòng golf của bố, và cũng như con đã từng vượt bố khi con học bơi, sẽ nhanh thôi, con là tay golf cừ mà bố phải học tập.

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Chúng ta có thể làm gì...

Khi bố đưa các con đến những thành phố khác và trở về Hà Nội, Thiều Quang thường hỏi bố tại sao Hà Nội lại xấu và bẩn hả bố? tại sao người ta không xây những ngôi nhà đẹp? tại sao Việt Nam không có luật phải xây nhà đẹp và đường phố sạch. Bố yêu ước mơ của Thiều Quang là trở thành kiến trúc sư để có thể thiết kế lại những đường phố và những ngôi nhà đẹp, để xây lại thành phố Hà Nội đẹp hơn. Bố tất nhiên cũng thấy những chuyến đi của chúng ta thú vị hơn, khi Thiều Quang luôn có được những ý tưởng mới về những ngôi nhà, những đường phố, những khu nghỉ mát,...từ sau những chuyến đi xa.

Đất nước chúng ta đang sống, thành phố nơi các con sinh ra và lớn lên còn rất nhiều bề bộn và vất vả, còn rất nhiều người xung quanh chúng ta vật lộn mỗi ngày vì những mưu sinh. Mỗi khi bố nói về những ước mơ và dự định của các con, có không ít những lời bình luận làm bố buồn lòng theo kiểu đấy là do các con có điều kiện.

Bố sinh ra trong sự nghèo khó, chưa bị đói bữa nào nhưng đã có những lần, bà nội đi công tác vắng nhà, trưa về nhà chỉ có cơm, bố đi móc cua để về giã ra, làm món chấm. Bố rất nhớ hình ảnh các cô em của bố ngồi ở đầu nhà chờ bố đi móc cua về. Nhưng bố lại cũng nhớ những cuốn sách của bố đã dạy bố ước mơ đến những miền đất mới thế nào, từ cuốn sách nhỏ bố đã quên tên là nhật ký về chuyến đi của thiếu nhi Hà Nội từ bắc vào nam cho bố những ý niệm đầu tiên về các miền của đất nước, hay những câu chuyện của các danh nhân giúp bố hiểu thêm và mơ ước được đến những miền đất khác. Nếu lúc nằm trên bờ cỏ, trong những buổi chăn bò ấy, bố nghĩ rằng mình không có điều kiện đâu, thì chắc là bố sẽ chẳng làm gì. Thậm chí bố có thể sẽ giống những bạn bè khác của bố ở quê, bất lực và bế tắc... Khả năng lớn nhất của bố là biết ước mơ, và tin rằng đôi khi có thể biến một phần những  ước mơ phần lớn là viển vông ấy thành hiện thực.

Cũng có những người khác khuyên nhủ bố là có thể làm những việc khác mà các cô chú ấy nghĩ sẽ có ích hơn cho xã hội, kiểu như giúp một ai đó một ít tiền, hay cho họ một cái gì đó từ một phần tài sản mà bố đang có chẳng hạn. Tuổi thơ nông thôn giúp bố nhận ra một điều là những cái giúp kiểu như vậy chẳng mang lại gì cho tương lai của những bạn bè con đang ở nông thôn cả. Có thể chúng ta không mang lại gì nhiều, nhưng đôi khi những thứ nho nhỏ có thể mang lại cho chúng ta, cho mọi người nhiều thứ hơn mình nghĩ.

Một lời dạy của ông nội hồi bố lên 5 tuổi hãy nhìn vào mắt của người đối thoại đã giúp bố nhận ra nhiều người bạn, nhận thấy nhiều kẻ không đáng quen trong cuộc sống phức tạp khi bố thành người lớn. Một cuốn sách nhỏ bố đọc hồi trẻ con giúp bố nhất định phải đi đến một miền đất xa lạ, và để đạt được nó, bố đã làm được nhiều việc có ích.

Chúng ta luôn có thể làm gì đó tốt đẹp cho những người xung quanh, và thường là điều đó không lớn lao như mọi người, như chính chúng ta mong đợi, nhưng đừng ngần ngại làm những điều nhỏ bé.

Trước khi Thiều Quang quyết định có nên trở thành một kiến trúc sư hay sẽ trở thành một cái gì đó khác, bố nghĩ, con có thể làm được vài việc có ích khác, ví dụ như chia sẻ với các bạn cùng trang lứa về những ước mơ của con, về cách mà con đã học và hiểu về thế giới, cách con yêu thành phố này và cả những gì con chưa hài lòng về nó chẳng hạn...

Đừng tự giới hạn mình, và đừng tự giới hạn những ước mơ của mình, chỉ cần thế, là các con đã có thể giúp cho mình và cho rất nhiều người xung quanh, các con trai thân mến ạ.

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Có gì cho một nghìn năm...

Bố rất lấy làm tiếc để nói với các con trai của bố, là sẽ không có gì hay ho. Sẽ có duyệt binh và pháo hoa, là những thứ chúng ta có thể muốn nhìn thấy ở ngày Quốc Khánh, sẽ có kẹt xe và tắc đường, vì sẽ có nhiều người nghĩ rằng chắc sẽ có gì đấy để xem nên đổ về Hà Nội trong những ngày đầu tháng 10, sẽ có ngổn ngang và bụi bặm, cả vì chuẩn bị lễ hội và cả vì sẽ có rất nhiều người sẵn sàng xả rác khắp những nơi công cộng...

Nhưng vì các con không được nghỉ học, bố mẹ chẳng được nghỉ làm việc, cho nên chúng ta sẽ phải ở nhà trong những ngày đó, chẳng làm gì khác được đâu. Chúng ta sẽ ở lại Hà Nội thôi...

Có thể chúng ta sẽ làm được vài điều khác hay ho, ví dụ như cùng đạp xe đi đâu đấy, ví dụ là ra bãi sông Hồng như vài tuần trước, rồi cùng quay về thành phố xem chúng ta đang có những gì, cũng là chuyện hay và đáng làm, các con trai nhỉ.

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Hà Nội của con

Năm nay, Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, bố cũng tin là như vậy, và con cũng tin là như vậy, chỉ có điều bố không thể cắt nghĩ được cho con tại sao lại là ngày 10.10, vì bố biết Chiếu Dời Đô hẳn nhiên không công bố vào ngày đấy. Thôi thì dù sao, 10.10.10 cũng là con số đẹp, viên mãn.
Hà Nội là thành phố của con, nơi con sinh ra và con đang lớn lên, sinh ra và lớn lên ở nông thôn, bố khôngg có ký ức về Hà Nội của tuổi thơ, cho nên bố không thể nói với con chính xác là Hà Nội của trẻ con có gì khác hơn sau mấy chục năm, nhưng Hà Nội của người lớn thì rất khác, khác nhiều lắm. Thật ra thì chính Hà Nội của trẻ con cũng đổi khác từng ngày, đáng tiếc là những đổi khác chẳng lấy gì làm dễ chịu, bố buộc phải đồng ý với con là thành phố của con đang mỗi ngày bớt đi sự thân thiện với trẻ con.
 
Và bố buồn giúp con nhiều lắm, khi con hỏi bố "Có thành phố nào xấu và bẩn hơn thành phố Hà Nội không bố? "
 
Buồn hơn, vì tìm được câu trả lời cho câu hỏi của con là rất khó khăn.
 
Bố biết, con luôn muốn được tự hào về mọi thứ thuộc về con hay con thuộc về nó, từ những món đồ chơi nhỏ đến trường con học, cho nên, việc con thất vọng về thành phố của mình, là một thứ mà con không muốn có.
 
Bố cũng không muốn con mang theo sự thất vọng ấy. Nhưng bố cũng không thể bắt con không nhận ra sự thật về thành phố của con là như vậy. Chúng ta không nên giả vờ tin rằng mọi thứ tốt đẹp, nếu thực ra nó chẳng phải như vậy. Nhưng chúng ta luôn có thể làm gì đó để thay đổi, để làm mọi thứ tốt đẹp hơn lên, dù chỉ là tốt hơn một chút thôi.
 
Bố đương nhiên cũng sẽ vẫn tiếp tục mang con đến những thành phố mới, những miền đất mới, để con biết thế giới này rộng lớn và đáng yêu thế nào, để con tiếp tục biết rằng có nhiều thứ còn có thể thay đổi để thành phố nơi con sinh ra và lớn lên có thể đẹp hơn, dễ chịu hơn, mỗi ngày...
 
Và có ngày con sẽ nói với con của con về thành phố của con với sự tự hào và tình yêu con dành cho thành phố của con...

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

"Con muốn bố ốm mãi.."

... Tất nhiên, đấy không phải là lời các chàng trai của bố, mà là lời trong một bài tập làm văn, của một cô bé tám tuổi ở Trung Quốc. Lý do để cô bé viết như thế là vì cô bé rất yêu bố, nhưng bố của cô bé lại chỉ ở nhà khi nào ông ấy ốm, còn nếu đang khỏe, ông sẽ đi làm suốt ngày.

Đôi khi bố ngồi trong văn phòng của bố, và nghĩ rất nhiều, về cách mà bố dành thời gian và sự chăm sóc cho các con và cho những người thân thiết xung quanh mình.

Ví dụ như câu chuyện về một bác đồng nghiệp cũ của mẹ, sau nhiều năm cân nhắc mới chuyển đến một chỗ ở mới, rộng rãi, dễ chịu và ở đấy, có những phòng riêng rộng rãi, tiện nghi cho các con của bác ấy, thì cũng là lúc các con của bác ấy không ở nhà nữa, mà đã đi học hết ở nước ngoài...

Mơ ước của cô bé thật ra chỉ là được ở bên cạnh và được chăm sóc bố mình, được nhìn thấy ông bố hàng ngày và vui vẻ, và sau rất nhiều suy tư, cô nghĩ chỉ có lúc ốm bố mới ở nhà với mình.

Cũng như bố thôi, gần đây, đôi khi bố cảm thấy mình đã già, nhưng tệ hơn, bố cảm thấy những người thân thiết của mình cũng đã già đi nhanh quá. Những tháng năm của tuổi trẻ trôi qua thật nhanh, và có lẽ chúng ta không có nhiều thời gian đến thế để dành cho những người xung quanh mình. Mỗi buổi sáng, bố và Thiều Quang  sẽ chỉ có thể gặp nhau vài chục phút trước giờ con ra xe bus đến trường, thế thì có lẽ, việc bố vì thấy con làm mọi việc chậm chạp rồi cáu với con thật sự là không nên, và nếu mỗi buổi chiều, thỉnh thoảng bố có thể đến trường và đi bộ về nhà với Hoàng Anh thì chắc chắn con sẽ cảm thấy rất tuyệt...

Cuộc sống vội vàng, bận bịu đã làm chúng ta quên đi những niềm vui nho nhỏ cho mình và cho những người xung quanh như vậy. Bố thì muốn lúc nào cũng có thể gần gũi với các con, với những người thân yêu của mình Và tất nhiên, bố biết ông bố của cô bé kia buồn thế nào, khi đọc bài văn của con gái mình...

Cho nên mỗi ngày, cái mà chúng ta nên thay đổi, là cách mà mình chăm sóc và làm cho những người quanh mình hạnh phúc, và như thế, sẽ làm cuộc sống của mỗi người tươi đẹp thêm mỗi ngày...

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Viết một cuốn sách...

Cuốn sách đầu tiên của bố được in ra như một sự tình cờ. Những bài viết của bố trên blog, những tâm sự của bố, lúc đầu là với Thiều Quang, sau đấy là với Hoàng Anh lúc đầu được vài người bạn của bố thích, rồi sau này khi blog không hoạt động nữa, một người bạn khác của bố thấy có thể in thành sách, bố chỉ đặt tên cho nó, và đưa vào đấy cái ảnh bìa,...thế là bố có một cuốn sách để tặng Thiều Quang vào dịp sinh nhật tám tuổi.

Rồi bố nghĩ, viết ra những gì mình nghĩ, mình biết là một sự thú vị đáng để mình quan tâm. Nếu được lựa chọn cho mình một công việc mà bố yêu thích, thì có lẽ bố sẽ chọn việc nói chuyện với mọi người và viết về những câu chuyện ấy. Nếu cần chọn người để nói chuyện, bố sẽ chọn các con.

Bởi vì khi chúng ta nói chuyện, bố có thể nhìn thấy sự lớn lên của các con hàng ngày.

Mấy tháng trước, Thiều Quang có lúc không thấy thích học tiếp piano lắm, nhưng bây giờ thì khác, dù vẫn nói con chỉ thích học piano "bình thường", nhưng một việc mà con yêu thích mỗi khi về nhà, là mở đàn lên chơi một đoạn. Như thế tức là con đã có được một niềm vui mới.

Sẽ còn nhiều thứ khác mà con sẽ cần phải học và phải biết, để lớn lên và trở thành những người đàn ông thực thụ. Có thể bố cũng sẽ nên viết cho các con về những câu chuyện "người lớn" hơn...

Nhưng không phải là để viết một cuốn sách mối, mà là viết tiếp những câu chuyện của bố và các chàng trai của bố.

Câu chuyện mới nhất của Hoàng Anh nói với bố hôm qua, khi bố đưa đến trường có lẽ sẽ làm con thấy thú vị khi lớn lên và nhớ lại:

- Bố ơi, Mali là girlfriend của con đấy bố ạ.

- Thế à

- Mali bảo con là boyfriend của bạn ấy.

- Con bảo với bạn ấy thế nào

- Bạn ấy đồng ý con là boyfriend của bạn ấy, nhưng mà bạn Tôm không thích con làm boyfriend của Mali đâu.

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Thất bại

Đầu mỗi năm mới, thường thì người ta muốn ngồi để đếm lại những thành công của mình trong năm cũ, và lập kế hoạch cho những thành công mới. Đã rất nhiều năm, bố cũng muốn làm như vậy, nhưng cái luôn luôn đến trong đầu của bố, lại là những ấn tượng, những suy tư về những thất bại đã đến trong năm cũ.

Hôm Chủ nhật, cùng đạp xe ra bãi sông với bố, trên đường đi, Thiều Quang nhắc lại một câu nói con đọc được trong cuốn sách về Thomas Edison "thất bại là mẹ thành công mà bố, Edison đã rất nhiều lần thất bại mới có thể sáng chế được ra nhiều thứ".

Là người châu Á, chúng ta thường ít khi nghĩ đến thất bại khi chuẩn bị làm một việc nào đó, và thường thì chúng ta không chuẩn bị cho sự thất bại, thậm chí ngại nhắc đến nó.

Để trở thành những người đàn ông đáng kính, các con trai thân yêu của bố, hãy nhớ rằng, thất bại luôn là một phần quan trọng của cuộc đời tươi đẹp mà các con đang hướng đến. Sẽ có rất nhiều thứ, nhiều việc, nhiều dự định của các con, bây giờ và sau này, không thành hiện thực, không làm được, không thể vượt qua, và đó sẽ là những sự thật hiển nhiên, và nhiều khi là không thể thay đổi. Một người đàn ông vững chãi sẽ là người biết học những bài học đáng giá từ những thất bại, của mình và của những người khác, để bước chân mình vững vàng hơn, để mình trưởng thành hơn. Một người đàn ông hiểu đời sẽ là người luôn biết dự liệu cho những thất bại mà mình có thể gặp phải khi làm một việc gì đó. Một người đàn ông đáng khâm phục sẽ là người mà ngay sau khi gặp một thất bại, lại nghĩ đến một sự khởi đầu mới, và hiểu rằng, trong sự khởi đầu ấy, sẽ có thể có cả thất bại và thành công.

Mọi thành công, các con trai ạ, sẽ chỉ trở nên đáng nhớ và ngọt ngào, nếu chúng ta biết thế nào là thất bại, và nhớ về những thất bại của mình, vì vậy, sẽ luôn là việc mỗi ngày chúng ta nên làm, không phải để biện minh, không phải để né tránh, mà để chúng ta lớn hơn thêm, mỗi ngày...

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

Một thập kỷ mới


Hoàng Anh và đàn hải âu tránh rét ở Kunming

Hôm nay là ngày đầu tiên của một thập kỷ mới. Đây sẽ là một thập kỷ quan trọng, nếu không nói là rất quan trọng trong cuộc đời của các chàng trai của bố. Cuối thập kỷ này, Thiều Quang sẽ 19 tuổi, và Hoàng Anh sẽ 15 tuổi, và những gì các con sẽ học, sẽ hiểu, sẽ biết trong thập kỷ này là rất quan trọng đối với những tháng năm trưởng thành sau đó của các con.

Những năm gần đây, năm mới không còn làm bố vui vẻ và phấn khích trọn vẹn như trước đây nữa, bởi cùng với niềm vui nhìn thấy các con lớn lên, hiểu biết thêm nhiều về thế giới này, thì cũng còn một ý nghĩ khác làm bố bớt vui, là ông bà và những người lớn tuổi đã già thêm một tuổi... Bố cũng giống các con thôi, không muốn nhìn thấy những người thân yêu của mình mỗi ngày một già đi như thế.

Có một cách để chúng ta bớt đi sự ưu tư khi mỗi năm mới qua đi, là mang lại nhiều niềm vui hơn cho những người xung quanh trong cuộc sống hàng ngày.

Những ngày cuối năm cũ, các con đã khám phá thêm hai thành phố mới, Kunming và Lijiang, lần đầu tiên các con đã được chơi với tuyết, đã biết thế nào là mùa đông lạnh lẽo và khô hạn ở những dãy núi nào ở Vân Nam, bố cũng tin là những chuyến đi như vậy, bằng cách này hay cách khác, sẽ giúp các con hiểu thêm nhiều hơn về thế giới mà chúng ta đang sống.

Nếu có cái gì đó làm bố hơi buồn một chút, thì có lẽ đó là câu hỏi của Thiều Quang "Liệu có phải Hà Nội là một thành phố xấu nhất không", cách con hỏi về thành phố nơi con sinh ra và lớn lên như vậy, khiến bố thương con nhiều hơn. Mỗi người đều có quyền được tự hào về nơi mình sinh ra và lớn lên, bố thật sự không muốn con phải mang theo cảm giác như vậy về thành phố của con, nhưng cũng không muốn thay đổi suy nghĩ của con bằng một lời nói dối.

Nhưng câu hỏi của con lại có thể là một gợi ý theo cách khác, là có thể chúng ta làm được điều gì đó, để thành phố của con ngày một đẹp hơn, con trai nhỉ...

Chúc mừng năm mới các con trai thân yêu.