Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Vòng golf đầu tiên



Mười một ngày sau sinh nhật con, bố mới viết cái notes này, để chúc mừng sinh nhật Thiều Quang. Bố tin là con đã có một kỳ sinh nhật thú vị. Thật may mắn là sinh nhật của con trùng với tuần lễ nghỉ giữa kỳ, và chúng ta đã có cơ hội để có một chuyến đi, và có những trải nghiệm mới mẻ.

Bố và con đã làm được việc định làm, là có một vòng golf - lần đầu tiên - vào đúng ngày sinh nhật 9 tuổi ở Montgomery Links. Golf là một trò chơi thú vị, và sự thú vị ấy phần nhiều nằm ở chỗ người chơi cùng với mình là ai. Bố đã có rất nhiều người bạn từ những trận golf của bố, nhiều người trong số đó là những người bạn rất thú vị, và vì vậy, bố thấy vòng golf đầu tiên và vào ngày sinh nhật của con là rất thú vị.

Bố nhớ những cú đánh đầu tiên của vòng golf đầu tiên của bố, cái cảm giác khác biệt của sân golf so với sân tập, sự cởi mở của không gian và màu xanh của thảm cỏ... Và bố thấy hài lòng vì đã có thể thấy sự say mê, thú vị của con trong những trải nghiệm đầu tiên này.

Sự thú vị tăng lên qua mỗi hố golf, những cú swing ngọt hơn, những đường bóng đi đúng đích hơn sau mỗi hố golf tạo cho bố niềm vui được quan sát và cùng con trải nghiệm. Tất nhiên, bố nên nói đến việc con đã có thể đạt được cú double bogey  đầu tiên ngay trong vòng golf đầu đời của mình, trong khi bố vẫn mơ đến cú double bogey sau mười vòng golf đầu tiên.

Bố hy vọng là con sẽ yêu thích môn thể thao thú vị, nhưng đầy thử thách, với những luật lệ nghiêm ngặt, và những đòi hỏi khác biệt về cách ứng xử này. Sẽ còn rất nhiều thứ con phaỉ học, nhưng vòng golf đầu tiên của con trong ngày sinh nhật như thế, bố nghĩ, đã là một trải nghiệm thú vị... Con sẽ còn học được rất nhiều thứ, sẽ có được rất nhiều người bạn thú vị từ những trận golf, và sẽ biết được nhiều miền đất, nhiều trải nghiệm thú vị từ những cuộc chơi con sắp trải qua...

Sẽ còn nhiều những vòng golf khác, và bố nghĩ, sự thú vị nằm ở chỗ, bố đã có một người bạn cùng chơi thú vị trong những vòng golf của bố, và cũng như con đã từng vượt bố khi con học bơi, sẽ nhanh thôi, con là tay golf cừ mà bố phải học tập.

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Chúng ta có thể làm gì...

Khi bố đưa các con đến những thành phố khác và trở về Hà Nội, Thiều Quang thường hỏi bố tại sao Hà Nội lại xấu và bẩn hả bố? tại sao người ta không xây những ngôi nhà đẹp? tại sao Việt Nam không có luật phải xây nhà đẹp và đường phố sạch. Bố yêu ước mơ của Thiều Quang là trở thành kiến trúc sư để có thể thiết kế lại những đường phố và những ngôi nhà đẹp, để xây lại thành phố Hà Nội đẹp hơn. Bố tất nhiên cũng thấy những chuyến đi của chúng ta thú vị hơn, khi Thiều Quang luôn có được những ý tưởng mới về những ngôi nhà, những đường phố, những khu nghỉ mát,...từ sau những chuyến đi xa.

Đất nước chúng ta đang sống, thành phố nơi các con sinh ra và lớn lên còn rất nhiều bề bộn và vất vả, còn rất nhiều người xung quanh chúng ta vật lộn mỗi ngày vì những mưu sinh. Mỗi khi bố nói về những ước mơ và dự định của các con, có không ít những lời bình luận làm bố buồn lòng theo kiểu đấy là do các con có điều kiện.

Bố sinh ra trong sự nghèo khó, chưa bị đói bữa nào nhưng đã có những lần, bà nội đi công tác vắng nhà, trưa về nhà chỉ có cơm, bố đi móc cua để về giã ra, làm món chấm. Bố rất nhớ hình ảnh các cô em của bố ngồi ở đầu nhà chờ bố đi móc cua về. Nhưng bố lại cũng nhớ những cuốn sách của bố đã dạy bố ước mơ đến những miền đất mới thế nào, từ cuốn sách nhỏ bố đã quên tên là nhật ký về chuyến đi của thiếu nhi Hà Nội từ bắc vào nam cho bố những ý niệm đầu tiên về các miền của đất nước, hay những câu chuyện của các danh nhân giúp bố hiểu thêm và mơ ước được đến những miền đất khác. Nếu lúc nằm trên bờ cỏ, trong những buổi chăn bò ấy, bố nghĩ rằng mình không có điều kiện đâu, thì chắc là bố sẽ chẳng làm gì. Thậm chí bố có thể sẽ giống những bạn bè khác của bố ở quê, bất lực và bế tắc... Khả năng lớn nhất của bố là biết ước mơ, và tin rằng đôi khi có thể biến một phần những  ước mơ phần lớn là viển vông ấy thành hiện thực.

Cũng có những người khác khuyên nhủ bố là có thể làm những việc khác mà các cô chú ấy nghĩ sẽ có ích hơn cho xã hội, kiểu như giúp một ai đó một ít tiền, hay cho họ một cái gì đó từ một phần tài sản mà bố đang có chẳng hạn. Tuổi thơ nông thôn giúp bố nhận ra một điều là những cái giúp kiểu như vậy chẳng mang lại gì cho tương lai của những bạn bè con đang ở nông thôn cả. Có thể chúng ta không mang lại gì nhiều, nhưng đôi khi những thứ nho nhỏ có thể mang lại cho chúng ta, cho mọi người nhiều thứ hơn mình nghĩ.

Một lời dạy của ông nội hồi bố lên 5 tuổi hãy nhìn vào mắt của người đối thoại đã giúp bố nhận ra nhiều người bạn, nhận thấy nhiều kẻ không đáng quen trong cuộc sống phức tạp khi bố thành người lớn. Một cuốn sách nhỏ bố đọc hồi trẻ con giúp bố nhất định phải đi đến một miền đất xa lạ, và để đạt được nó, bố đã làm được nhiều việc có ích.

Chúng ta luôn có thể làm gì đó tốt đẹp cho những người xung quanh, và thường là điều đó không lớn lao như mọi người, như chính chúng ta mong đợi, nhưng đừng ngần ngại làm những điều nhỏ bé.

Trước khi Thiều Quang quyết định có nên trở thành một kiến trúc sư hay sẽ trở thành một cái gì đó khác, bố nghĩ, con có thể làm được vài việc có ích khác, ví dụ như chia sẻ với các bạn cùng trang lứa về những ước mơ của con, về cách mà con đã học và hiểu về thế giới, cách con yêu thành phố này và cả những gì con chưa hài lòng về nó chẳng hạn...

Đừng tự giới hạn mình, và đừng tự giới hạn những ước mơ của mình, chỉ cần thế, là các con đã có thể giúp cho mình và cho rất nhiều người xung quanh, các con trai thân mến ạ.