Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Nam Cực

Nhiều người hỏi bố, tại sao chúng ta lại có chuyến đi này.

Nếu câu hỏi này được đặt ra cho bố hai mươi năm trước, có lẽ bố sẽ trả lời, vì bố thích. Câu trả lời bây giờ của bố tất nhiên là khác, bởi vì bố thấy cần phải làm như vậy.

Ước mơ của Thiều Quang được đặt chân đến Nam Cực sẽ được coi là một ước mơ viển vông, đối với hầu hết người lớn. Không hẳn vì mọi người không thích đến đấy, không thích khám phá một miền đất mới, có khi chỉ đơn giản là ngay khi có ý nghĩ đấy, mọi người đã nghĩ ngay rằng, mình không làm được đâu, hoặc là sẽ chờ đợi xem có ai đó hay môt dịp may nào đó sẽ đến, và mang theo ước mơ của họ. Có nhiều ước mơ đã chết đi theo cách như vậy, khi con người lớn dần lên, nhìn thấy sự hữu hạn của những gì mình đang có và sự viển vông của những ước mơ. Nhưng nếu không còn những ước mơ xa vời và đôi khi viển vông ấy, chúng ta có lẽ chẳng còn gì cả. Những ước mơ đẹp đẽ luôn sẽ là điều quan trọng, giúp trẻ con lớn lên, và giúp người lớn nhận ra và gìn giữ những giá trị của cuộc sống tươi đẹp. Ước mơ khám phá những miền đất mới của con, do vậy, tất nhiên là cái mà bố cần và nên giúp con nuôi dưỡng, nó sẽ giúp con đi những bước xa hơn trong suốt cuộc đời của con sau này...

Bố tất nhiên cũng đầy hứng thú và say mê để trò chuyện với Thiều Quang về những điều đơn giản và lớn lao, như chuyện trái đất đang ấm lên, sự đổi thay của khí hậu hay chuyện bảo vệ môi trường sống đầy bất trắc của chúng ta. Người lớn thường không dễ dàng chia sẻ những suy tư như vậy của trẻ em, của những đứa trẻ ở tuổi của con, nhưng bố thì khác, bố hiểu những gì con nghĩ về thế giới sẽ còn đi theo con trong suốt cuộc đời, đem lại cho con nhiều thứ. Bố cũng tin là con sẽ học được nhiều hơn cách chia sẻ về những gì con quan tâm với mọi người, trước hết là với bạn bè con, với những người xung quanh, và biết đâu, với nhiều người khác. Chuyến đi này sẽ là một dịp tốt, để con chia sẻ những gì mình tận mắt nhìn thấy, tận mắt chứng kiến với mọi người...

Chỉ còn hơn hai mươi ngày nữa, bố con mình sẽ lên đường, sẽ là một chặng đường dài, nhưng sẽ đầy thú vị. Chúng ta sẽ dừng chân ở Dallas để con được nhìn thấy phi trường lớn nhất nước Mỹ mà con từng nhiều lần xem trên google earth, sẽ khám phá Buenos Aires quyến rũ, tìm kiếm những điều thú vị ở thành phố cực Nam thế giới Ushuia, đứng trên pier 39 ngắm những con hải cẩu đang phơi nắng ở San Francisco,...

Bố sẽ chờ xem bản presentation của con về chuyến đi sẽ thế nào, và chúng ta sẽ còn vài chục ngày để mua thêm nhiều thứ.

Việc đầu tiên mà chúng ta làm, có lẽ là trong tuần tới, sẽ bắt đầu ghi nhật ký của chuyến đi này, chuyến đi có vẻ như sẽ giúp con trở thành người trẻ nhất đặt chân đến Nam Cực...

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Cơ hội trong những rủi ro

Thiều Quang, con trai lớn của tôi bị một tai nạn nhỏ khi chơi ở trường, bị gẫy một cái xương khi chống tay xuống đấy, sáu tuần tới Thiều Quang sẽ phải bó bột để chờ xương liền lại. 

Tất nhiên, chúng ta đều hiểu rằng, việc con bị ngã ở trường hôm qua, bị gãy xương, phải bó bột, là một rủi ro, và là rủi ro không đáng có. Nhưng đấy cũng là một phần của cuộc sống, khi đôi khi mọi thứ không diễn ra giống như chúng ta mong muốn. Con sẽ phải bó bột tay trái của con trong sáu tuần tới, sẽ không thể đạp xe, không chơi golf, không tập đàn, và sẽ rất khó khăn để viết, vẽ bằng tay thuận của con trong sáu tuần tới.

Nhưng đấy không phải là mọi thứ. Và rủi ro không phải chỉ là những thiệt thòi, như bố con mình nói chuyện sáng nay trên đường đến Saint Paul để khám lại chỗ bó bột, có khá nhiều cơ hội cũng đang mở ra với con.

Cái đầu tiên, có lẽ là con sẽ học cách viết bằng tay phải, sáng nay bố đã nhìn thấy con làm việc đó, tất nhiên chữ sẽ chưa đẹp ngay được đâu. Nhưng có lẽ con sẽ nhanh chóng viết được đẹp đẽ thôi. Rất có thể sau cái tan nạn nhỏ này, con sẽ có thể tự hào vì mình có thể viết, vẽ được bằng cả hai tay, đấy nên coi là một khả năng đặc biệt và sự hạn chế cử động tay trái vì bó bột sẽ giúp con có được những trải nghiệm mới, phát hiện mới về những khả năng của mình.

Con cũng đã nhìn thấy các bạn cùng lớp và các bạn khác của con lo lắng và chia sẻ với con thế nào vào hôm qua và cả hôm nay khi con đến lớp. Những chia sẻ như thế không phải ai, và lúc nào cũng có thể có được. Con sẽ thấy là những gì con làm cho các bạn sẽ giúp con nhận được sự chia sẻ thế nào. Và bố cũng nghĩ, con sẽ gần gũi và thân thiết, chia sẻ với các bạn nhiều hơn, sẽ thấy các bạn giúp đỡ con ra sao nữa.

Hay là về cái câu lạc bộ đi xe đạp của các con, tất nhiên con không thể đạp xe trong sáu tuần tới, vì đi xe đạp bằng một tay là quá nguy hiểm ở tuổi con, nhưng điều ấy không ngăn cản việc con vẫn tiếp tục cùng các bạn tổ chức những chuyến đi khác, mà con sẽ là người tổ chức thực thụ, và chia sẻ với các bạn những trải nghiệm ở vị thế của một người tổ chức.

Bố cũng nghĩ, con sẽ học được cách trở thành một cậu bé mạnh mẽ hơn sau tai nạn nhỏ này.

Rủi ro đương nhiên là cái chả ai muốn, nhưng cách chúng ta ứng xử với những rủi ro mình gặp phải mới là quan trọng, con trai ạ... Hãy tìm những cơ hội và cả niềm vui trong khi chúng ta vượt qua rủi ro, mới là điều quan trọng...