Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Những ngày nắng đẹp ở Nam Cực


Chúng ta đã vượt qua gần một nửa chặng đường của chuyến đi Nam Cực, và bố nghĩ chúng không phải may mắn, mà là đã cực kỳ may mắn trong những ngày vừa qua. Con đường đi qua Drake Passage đã nhẹ nhàng hơn nhiều so với những gì mà bố chuẩn bị, tàu đi xuôi gió đã giúp giảm đi nhiều sự tác động của những con sóng lớn trên ở Drake Passage. Chúng ta đến Deception Island trong sương mù, nhưng đã trải qua đủ bốn mùa trong mấy giờ ở trên đảo. Những ngày nối tiếp với mặt trời ló dạng ở Paradise Habour và nắng rực rỡ vài ngày qua giúp chũng ta đến base W không quá khó khăn.

Con cũng đã gặp được, đã nhìn thấy nhiều thứ mà con muốn thấy và nên thấy, từ những “bí mật” của con tàu với những “cánh gạt băng trôi” hai bên mà thuyền trưởng giới thiệu, cho đến những con cánh cụt Gentoo và Adelaide, những con hải cẩu Fur và Leopard, cả cá heo và những con cá voi killer whale, những con ó biển... Đã tận mắt nhìn thấy những tảng băng khổng lồ đổ ụp xuống ở đảo Stonelington hôm nay...

Nhưng đấy chính là cái mà bố lo ngại.

Mặc dù con đã học được cách chuẩn bị và sẵn sàng cho những chuyến đổ bộ, cách thức tìm hiểu và khám phá trong mỗi lần đặt chân lên đất liền, cách bảo vệ mình và bảo vệ thiên nhiên Nam Cực,... nhưng chính sự thuận lợi và may mắn quá lớn chúng ta đang có có thể làm con nghĩ đây là một chuyến du lịch.

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng nhìn ngắm những con chim cánh cụt và tận hưởng trải nghiệm của một con chim cánh cụt khi trượt bằng mông từ trên đỉnh núi ở trạm Brown xuống,...

Con đã biết là mỗi lần chúng ta lên bờ, các cô chú trong expedition team sẽ phải mang theo cả đồ ăn, trại và đồ ấm để chúng ta có thể ở lại qua đêm nếu thời tiết bỗng dưng bất trắc không cho phép chúng ta ở lại tàu.

Cũng chính ở Deception và đảo Cureville, con đã thấy thế nào là sự thay đổi chóng mặt của thời tiết Nam Cực, mưa đấy rồi lại nắng đấy, rồi lại tuyết rơi, rồi lại âm u,... Con đã nghe câu chuyện về hai nhà khoa học đã hy sinh khi quan sát bão tuyết ở base E sáng nay, hay chuyện tàu MS Explorer đã chìm ở gần base W khi cố gắng vào đây năm 2007. Sự thách thức của một chuyến đi đến Nam Cực chính là sự sẵn sàng cho những bất trắc như vậy, nhưng cũng là để con hiểu thêm và yêu thêm trái đất mà con đang sống và đang yêu quý. Những trải nghiệm ở Nam Cực sẽ là rất quan trọng để con biết hơn về thế giới và những thách thức mà con người, mà chính con, lúc nào đó trong cuộc đời sẽ phải đối mặt.

Bố tất nhiên, tin và mong là những ngày tới chúng ta lại tiếp tục may mắn và thuận lợi, nhưng con hãy nghĩ xem nhé, ví dụ, chúng ta sẽ làm gì giờ này trên bờ của Horseshoe nếu gió và những tảng băng không cản đường lên base Y, mà sẽ khóa đường chúng ta quay lại tàu....

Cuộc sống chính là như vậy, đầy thách thức nhưng cũng đầy thú vị, con trai ạ.

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Nam Cực (2)


 Cuối cùng thì chúng ta đang ở gần Nam Cực hơn bao giờ hết, hơn một giờ nữa, máy bay sẽ đáp xuống Ushuaia, và 6 giờ nữa, chúng ta sẽ lên tàu Fram để đến Nam Cực.

Bố tin rằng đây là chuyến đi sẽ mang lại cho con nhiều ấn tượng nhất trong những chuyến đi mà chúng ta đã trải qua. Ví dụ đây sẽ là lần đầu tiên con có một chuyến đi biển dài ngày, chúng ta sẽ có 13 ngày trên tàu, sẽ đi qua những vùng đất luôn mang lại những cảm hứng cho con người hàng thế kỷ qua.

Lịch sử Nam Cực bao gồm nhiều tháng năm băng giá không có dấu chân người, cho đến khi những nhà thám hiểm đầu tiên đặt chân đến lục địa trắng này hồi đầu thế kỷ 20, khi chưa có máy bay để bay đến Ushuaia, khi chưa có những con tàu tiện nghi để rút ngắn hành trình vượt qua eo biển Drake Passage khắc nghiệt,…

Chúng ta sẽ đến Nam Cực trong sự tiện nghi, sẽ có thể nói chuyện với mọi người qua skype và cập nhật những hình ảnh hang ngày trên flickr hay facebook để chia sẻ với bạn bè của bố và của con. Trừ những lúc lên thuyền ghé vào Nam Cực, chúng ta sẽ có không gian tương đối dễ chịu trên tàu, ấm áp và thoải mái để ngắm những con cá voi quẫy mình trong đại dương Nam Cực bao la…

Những nhà thám hiểm đầu tiên đến đây với rất ít hiểu biết và trang bị, rất nhiều người trong số họ đã hy sinh để chúng ta có những hiểu biết hôm nay về miền đất này… Nhiều nhà khoa học giờ đây cũng đang sống hàng ngày ở Nam Cực, kể cả ở cực Nam của trái đất trong những ngày mùa đông lạnh lẽo không có ánh mặt trời, để những hiểu biết của chúng ta về Nam Cực, về thế giới ngày một nhiều hơn. Giờ đây chúng ta có thể dễ dàng theo dõi thời tiết hàng ngày ở Nam Cực qua cái máy tính của con trong phòng làm việc, điều mà các nhà thám hiểm chỉ vài chục năm trước còn mơ ước, con có thể dễ dàng đọc về các loài chim cánh cụt, từ những hiểu biết trước đó của bao nhiêu người từng đến đây và yêu mến mảnh đất này, yêu mến thiên nhiên và cũng như con, yêu mến những con chim cánh cụt đang yêu…

Nhưng như thế không có nghĩa là chuyến đi của con bớt đi sự thú vị. Con đã đặt chân đến những vùng đất mới, tận mắt thấy sự rộng lớn của thế giới và sự hữu hạn của hiểu biết, sẽ biết nhiều hơn về Nam Cực qua những bài học được các cô chú hướng dẫn trong chuyến đi, biết nhiều hơn về con tàu và hải trình chúng ta đi qua qua những cuộc nói chuyện với thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu. Tất nhiên, con đường đi đến đây cũng sẽ cho con biết nhiều hơn về thế giới, từ hình ảnh của sân bay DFW rộng lớn con vẫn xem trên google earth, đến sự khác biệt và quyến rũ của Buenos Aires, hay tận mắt nhìn thấy con song River de la Plata rộng lớn mà con nghĩ là một cái vịnh

Những ngày thú vị của chúng ta đang ở phía trước, và bố hy vọng là con có thể học được nhiều thứ ở đây, từ chuyến đi này, và hiểu rằng thế giới này rộng lớn và hấp dẫn biết bao nhiêu.

Và tất nhiên, bố hạnh phúc vì đã mang lại cho con cơ hội tìm hiểu và khám phá thế giới, theo cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm.