Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Chúng ta có thể làm gì...

Khi bố đưa các con đến những thành phố khác và trở về Hà Nội, Thiều Quang thường hỏi bố tại sao Hà Nội lại xấu và bẩn hả bố? tại sao người ta không xây những ngôi nhà đẹp? tại sao Việt Nam không có luật phải xây nhà đẹp và đường phố sạch. Bố yêu ước mơ của Thiều Quang là trở thành kiến trúc sư để có thể thiết kế lại những đường phố và những ngôi nhà đẹp, để xây lại thành phố Hà Nội đẹp hơn. Bố tất nhiên cũng thấy những chuyến đi của chúng ta thú vị hơn, khi Thiều Quang luôn có được những ý tưởng mới về những ngôi nhà, những đường phố, những khu nghỉ mát,...từ sau những chuyến đi xa.

Đất nước chúng ta đang sống, thành phố nơi các con sinh ra và lớn lên còn rất nhiều bề bộn và vất vả, còn rất nhiều người xung quanh chúng ta vật lộn mỗi ngày vì những mưu sinh. Mỗi khi bố nói về những ước mơ và dự định của các con, có không ít những lời bình luận làm bố buồn lòng theo kiểu đấy là do các con có điều kiện.

Bố sinh ra trong sự nghèo khó, chưa bị đói bữa nào nhưng đã có những lần, bà nội đi công tác vắng nhà, trưa về nhà chỉ có cơm, bố đi móc cua để về giã ra, làm món chấm. Bố rất nhớ hình ảnh các cô em của bố ngồi ở đầu nhà chờ bố đi móc cua về. Nhưng bố lại cũng nhớ những cuốn sách của bố đã dạy bố ước mơ đến những miền đất mới thế nào, từ cuốn sách nhỏ bố đã quên tên là nhật ký về chuyến đi của thiếu nhi Hà Nội từ bắc vào nam cho bố những ý niệm đầu tiên về các miền của đất nước, hay những câu chuyện của các danh nhân giúp bố hiểu thêm và mơ ước được đến những miền đất khác. Nếu lúc nằm trên bờ cỏ, trong những buổi chăn bò ấy, bố nghĩ rằng mình không có điều kiện đâu, thì chắc là bố sẽ chẳng làm gì. Thậm chí bố có thể sẽ giống những bạn bè khác của bố ở quê, bất lực và bế tắc... Khả năng lớn nhất của bố là biết ước mơ, và tin rằng đôi khi có thể biến một phần những  ước mơ phần lớn là viển vông ấy thành hiện thực.

Cũng có những người khác khuyên nhủ bố là có thể làm những việc khác mà các cô chú ấy nghĩ sẽ có ích hơn cho xã hội, kiểu như giúp một ai đó một ít tiền, hay cho họ một cái gì đó từ một phần tài sản mà bố đang có chẳng hạn. Tuổi thơ nông thôn giúp bố nhận ra một điều là những cái giúp kiểu như vậy chẳng mang lại gì cho tương lai của những bạn bè con đang ở nông thôn cả. Có thể chúng ta không mang lại gì nhiều, nhưng đôi khi những thứ nho nhỏ có thể mang lại cho chúng ta, cho mọi người nhiều thứ hơn mình nghĩ.

Một lời dạy của ông nội hồi bố lên 5 tuổi hãy nhìn vào mắt của người đối thoại đã giúp bố nhận ra nhiều người bạn, nhận thấy nhiều kẻ không đáng quen trong cuộc sống phức tạp khi bố thành người lớn. Một cuốn sách nhỏ bố đọc hồi trẻ con giúp bố nhất định phải đi đến một miền đất xa lạ, và để đạt được nó, bố đã làm được nhiều việc có ích.

Chúng ta luôn có thể làm gì đó tốt đẹp cho những người xung quanh, và thường là điều đó không lớn lao như mọi người, như chính chúng ta mong đợi, nhưng đừng ngần ngại làm những điều nhỏ bé.

Trước khi Thiều Quang quyết định có nên trở thành một kiến trúc sư hay sẽ trở thành một cái gì đó khác, bố nghĩ, con có thể làm được vài việc có ích khác, ví dụ như chia sẻ với các bạn cùng trang lứa về những ước mơ của con, về cách mà con đã học và hiểu về thế giới, cách con yêu thành phố này và cả những gì con chưa hài lòng về nó chẳng hạn...

Đừng tự giới hạn mình, và đừng tự giới hạn những ước mơ của mình, chỉ cần thế, là các con đã có thể giúp cho mình và cho rất nhiều người xung quanh, các con trai thân mến ạ.

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chào anh, Tôi 31 tuổi, có hai con một trai, một gái. Đọc " Chúng ta là bạn" của anh tôi đã bật khóc, tôi đã khóc cho tuổi thơ của tôi, khóc cho Bố tôi, và có lẽ khóc cho thế hệ của bà tôi nữa. Bà tôi kể hồi xưa bố tôi "nư lắm", có lần bố tôi nằm vạ và được bà tôi cho xuống " giao thông hào" doạ là sẽ chôn sống!. Đến lượt tôi vì ham chơi mà không đi tru (trâu) đã từng được bố tôi bồng lên, ném xuống ao!...tuổi thơ của tôi lớn lên kiểu như vậy. Nhưng tôi biết bố mẹ tôi cũng yêu tôi lắm. Làng anh làm muối còn Làng tôi làm ruộng và bố mẹ tôi đều làm ruộng mà theo cách nói bây giờ gọi là " bố mẹ thuần nông", vất vả lắm nhưng cả ba anh em tôi đều được đi học,đều học hết bậc đại học, và tôi cũng đã từng tự hào là 1 trong 40 người đạt điểm cao trong lễ tốt nghiệp khoá 43 Đại học Xây dựng, tự hào trong sự lam lũ của bố mẹ tôi. Nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn tôi, đôi lúc tôi lờ mờ nhận ra có nhiều vết thẹo, đó là nỗi sợ hại vô hình, sự ngại ngùng trong giao tiếp, và chẳng bao giờ tôi được nghe mấy tiếng " Con hãy nhìn vào mắt người đối thoại mình khi giao tiếp" từ miệng bố tôi như bố anh đã từng với anh. Đọc " chúng ta là bạn" tôi đã khát khao, mơ tưởng giá như bố tôi được như bố anh thì có lẽ cuộc đời tôi đã khác, nhưng có ai tắm hai lần trên cùng dòng sông đâu, và tôi biết sẽ rất khó khăn nhưng tôi cũng sẽ cố gắng nuôi dưỡng nhưng ước mơ của các con tôi; như anh đã và đang làm với Thiều Quang và Hoàng Anh.
Xin cảm ơn..., cảm ơn anh.

PHAM Quang Vinh nói...

Chào bạn, rất vui vì nhận được sự chia sẻ của bạn. Chúng ta ai cũng có những hoàn cảnh riêng, và đều mong muốn làm những việc tốt đẹp cho con cái và những người thân, tuy nhiên cách làm của mỗi người có thể khác nhau thôi, tôi nghĩ thế.

Nặc danh nói...

Tôi đồng ý.

JAW nói...

Chao anh.
Toi kham phuc nhung nguoi Nghe An boi rang ho co uoc mo lon.
Vo toi cung la nguoi Nghe An.